Wednesday, October 18, 2017

[VNCH] Đất Qui Nhơn gầy _Cao Ngọc Cường


Ai là người Qui Nhơn một thời mà chưa từng biết, từng nghe bài hát Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh, một nhạc sĩ chuyên viết nhạc Lính và Tình Ca Của Lính nổi tiếng của miền Nam một thời chiến tranh như Tình Thư Của Lính, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Góa Phụ Ngây Thơ, Chân Trời Tím, Chiều Trên Phá Tam Giang, Lâu Đài Tình Ái, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối, v.v… Và, dòng nhạc Trần Thiện Thanh vẫn luôn ngự trị trong lòng dân Việt hải ngoại cũng như trong nước từ trước đến muôn đời.

Những bài Đám Cưới Đầu Xuân, Không Bao Giờ Ngăn Cách, Hoa Trinh Nữ, Biển Mặn... của Trần Thiện Thanh với thể điệu Boléro trữ tình vẫn là chọn lựa đầu tiên của bọn tôi, những cậu thanh thiếu niên mới tập tành học chơi đàn guitar ngày ấy (nhưng sau này Chiều Trên Phá Tam Giang mới là bài nhạc mà tôi yêu thích nhất của ông cả về lời (thơ Tô Thuỳ Yên), nhạc và giai điệu sâu lắng ray rứt lòng người... ).

Và Hàn Mặc Tử nhà thơ tài hoa bạc mệnh, không phải là người Qui Nhơn nhưng miền đất này, miền "đất Qui Nhơn gầy" đã đón chân chàng và cũng là nơi chàng gửi thân xác trần gian lại trên đỉnh dốc cao nhìn ra biển trên Ghềnh Ráng.
Qui Hoà từ đó trở thành một địa danh nổi tiếng vì đó là nơi an nghỉ của thi nhân và vào thời tôi đã có biết bao cô cậu học sinh ở Qui Nhơn lập ra những thi nhóm, thi văn đoàn Hàn Mặc Tử vì yêu mến nhà thơ tài hoa bạc mệnh.

Năm 1960, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác bài Hàn Mặc Tử để tưởng nhớ chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Trần Thiện Thanh kể lại cuộc đời đau thương và chuyện tình của Hàn với nàng thơ Mộng Cầm làm lay động lòng người :

"Tìm vào cô đơn đất Qui Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào biết, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu?”.

ĐẤT QUI NHƠN GẦY là một nhân xưng từ lạ mà người nhạc sĩ tôi yêu mến đã dùng khi nhắc đến Qui Nhơn.
Nhìn trên không ảnh Qui Nhơn như đầu con đại bàng đang há mỏ nhô ra biển; một bên là Đầm Thị Nại và một bên là Vịnh Qui Nhơn, không gầy chút nào, có gầy chăng là những con phố gầy Gia Long, Võ Tánh của Qui Nhơn ngày ấy còn nghèo sau tiêu thổ chiến tranh.

Phố gầy thì tôi đã gặp nhiều trong nhạc :

"Rồi mai chân hoang vu lên phố gầy
Tôi về nhớ trong mắt môi đã đắng cay
Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn
Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng... "
(Rồi Mai Tôi Đưa Em – Trường Sa)

"Giữa lòng phố gầy trời đổ mưa mây.
Xui cho anh nhớ chuyện mình.
Ngày đó quen nhau khi mưa mây kín đường dài.
 n tình trót vay, thương đôi môi cười ngát say... ”
(Chuyện Mưa Mây – Anh ViệtThanh & Tú Nhi)

Nhưng Đất Gầy thì chỉ có một Trần Thiện Thanh dùng cho âm nhạc của ông; từ ngữ rất "đắt" và rất "đạt" trong cách diễn tả rất tượng hình "đất Qui Nhơn gầy” (đón chân chàng đến) vào những năm 30-40 của thế kỷ trước trong thời Hàn Mặc Tử sống; tương tự như "dài tay em mấy” (thuở mắt xanh xao) -  Diễm Xưa – Trịnh Công Sơn).

Đã từng nghe, hát và tập đàn rất nhiều lần bản nhạc Hàn Mặc Tử từ thuở mới tập guitar và thỉnh thoảng về sau này có bao giờ tôi cảm nhận được "cái hồn" câu chữ "đất Qui Nhơn gầy" của Trần ThiệnThanh trong bản nhạc cho đến khi viết bài "Qui Nhơn Trong Nhạc) vài ngày trước đây. Và mới đây, tối hôm qua, khi cùng " hồng nhan tri kỷ" của tôi và mấy đứa cháu từ tiểu bang xa ghé thăm ông cậu già này, nhân có Hội Chợ Mùa Thu của Giáo Xứ La Vang để cho các cháu biết thêm một nét văn hoá của người Việt Houston. Lúc gần ra về, nán lại đôi phút nghe Mai Thiên Vân hát một liên khúc Boléro tuyệt vời của Trần Thiện Thanh trong đó có bài Hàn Mặc Tử mà tôi đang nhớ đến.

Giọng ca thiên phú của cô  ca sĩ khả ái này một lần nữa làm tôi nhớ đến Qui Nhơn trong cách cô ngắt câu nhả chữ "Tìm vào cô đơn / đất Qui Nhơn gầy / đón chân chàng đến... " !

Dư âm câu hát tiếng nhạc còn mãi trong tâm tưởng mênh mang trên đường về. Và thôi thúc tôi ngồi xuống viết lại cùng ao ước được chia sẻ cảm nghĩ về miền ĐẤT QUI NHƠN GẦY yêu dấu của tôi một thời tuổi trẻ với những ai từng có nhiều kỷ niệm với Quy Nhơn. Và như một lời cảm ơn đến hai nhà nghệ sĩ đã đem thơ ca làm đẹp cuộc đời.

Hàn Mặc Tử và Trần Thiện Thanh, người trước, kẻ sau, đã không còn trên cõi đời này nhưng những tác phẩm thi ca của hai tên tuổi lớn của Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam vẫn mãi mãi sống trong lòng chúng ta.

Từ xa mãi đất quê gầy
Mấy mươi năm vẫn đong đầy yêu thương

Cao Ngọc Cường
(1/10/2017)

www.chsltqn.com/

No comments:

Post a Comment